Thông tin mới nhất
Đăng nhập
GIÁO DỤC ĐÃ THAY ĐỔI MỘT ĐỨA TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

         Đầu năm học 2022- 2023 lớp tôi có một cháu “phát triển không giống như bao đứa trẻ khác”. Khác ở chỗ những việc “cao siêu” như đọc được hết các từ ngữ Tiếng Việt, đọc và nói thành thạo Tiếng Anh như một người bản ngữ nhưng những việc đáng lẽ ra là một bản năng bình thường của bao đứa trẻ khác thì cháu lại không làm được như: không tự thay đồ, không tự xúc cơm, không biết nhai, không biết trả lời những câu hỏi đơn giản, không tập trung mà chỉ thích làm theo ý của mình.

         Đầu năm tôi may mắn được nhà trường phân công nhiệm vụ tham gia tập huấn lớp “SÀNG LỌC VÀ PHÁT HIỆN, CAN THIỆP SỚM TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ” do nhóm bác sĩ Cần Thơ nghiên cứu . Thông qua những gì tôi tiếp thu được thì tôi nghi ngờ sự phát triển không bình thường của cháu là có cơ sở. Chuyện cũng sẽ chỉ có thể dừng lại ở đó cho đến khi nhóm nghiên cứu đến trường tôi khám sàng lọc lại những trẻ có “dấu hiệu nghi ngờ”. Một lần nữa kết quả mà tôi nhận được từ bác sĩ đã khẳng định rằng sự nghi ngờ của tôi là hoàn toàn đúng: “Cháu đang mắc chứng bệnh tự kỉ” nhiệm vụ của cô giáo bây giờ là trao đổi với phụ huynh về tình trạng bệnh của cháu để có biện pháp can thiệp sớm.

         Qua trao đổi tôi được biết mẹ cháu Khoa ( tên của cháu) đã nghi ngờ con mình bị bệnh tự kỉ lúc nhỏ nhưng đó cùng chỉ là nghi ngờ. Gia đình có đưa cháu đi thăm khám ở một bệnh viện lớn dành cho trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng kết quả lại ngoài ý muốn của ba mẹ. Mẹ cháu thường xuyên hỏi thăm về tình hình học tập của con khi ở lớp, Mẹ cháu kể “em có mua cây viết ở trên mạng có 2 cái lỗ cho Khoa sọt tay vào đó cầm cho nó quen, e dạy cho tô chữ cái, tô số giờ thì cũng viết được rồi cô”.

         Ở lớp cô cũng không ép con phải ngồi học như các bạn, con làm được gì cho bài học thì cô để con tự làm, không tự cắt được thì cô cắt cho con dán, không chơi với bạn thì chơi cùng cô, không tự xúc ăn thì cô đút và hướng dẫn từ từ cho con kĩ năng cầm muỗng, tập cho con tập trung và nhẫn nại trong hoạt động.

 

 

Đăng Khoa đang rất chăm chú tô chữ cái

         Mẹ Khoa nói “ vì cháu chưa biết gì nên e không cho đi học”. Phải chăng đó là sai lầm của hầu hết phụ huynh? Giáo dục trẻ chính là dạy cho trẻ biết, đi học để được biết, để được phát triển. Nếu như lúc trước Khoa được đi học sớm hơn, được gia đình và nhà trường can thiệp sớm hơn thì chắc có lẽ cháu đã không chịu thiệt thòi nhiều đến vậy. Quá trình được đi học, tiếp xúc với nhiều người, được quan tâm, yêu thương và can thiếp từ gia đình và nhà trường thì bây giờ Khoa đã tiến bộ rất nhiều. Từ “ không biết gì” thì nay con đã tự biết cách uống sữa, biết tập trung chú ý, tự trải nệm gối và vệ sinh cá nhân, tự xúc ăn tuy vẫn còn rơi vãi, có thể cầm viết và tô chữ, tô số, tô màu... Mặc dù, những việc làm đó chưa được thành thạo nhưng đó là tất cả sự nỗ lực của ba mẹ, cô giáo và cố gắng của con.

 

 

Đăng Khoa cười khi được cô giáo khen

         Bằng tình yêu thương và sự nhẫn nại đến tuyệt vời đã có được thành quả như ngày hôm nay. Giáo dục và tình yêu thương đã thay đổi một đứa trẻ như thế đấy!

         Mỗi đứa trẻ đều có quyền được phát triển, hãy trao cho trẻ những cơ hội xuất phát bằng tình yêu thương.

 

Tác giả: Huỳnh Kim Thoa