29/11/2022
HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC SÁNG CHO TRẺ TẠI TRƯỜNG
1. Cho trẻ tập luyện thường xuyên liên tục đúng giờ
Như chúng ta đã biết, tác dụng của thể dục sáng đối với trẻ em có ý nghĩa to lớn về giáo dục và sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Việc tập luyện thường xuyên sẽ hình thành ở trẻ thói quen tập thể dục sáng, sự hứng thú đối với các loại vận động và đối với hoạt động tập thể. Vì vậy, hàng ngày vào một thời gian nhất định sau giờ đón trẻ tôi cho trẻ tập thể dục sáng, thời gian tập khoảng 10-15 phút, cho trẻ tập ở ngoài trời (trừ những ngày mưa và quá lạnh) để trẻ được hít thở không khí trong lành của buổi sáng.

2. Khuyến khích tính tự giác và tích cực ở trẻ
Để giúp trẻ có được sự tự giác, tích cực tham gia vào hoạt động và giúp trẻ vận động nhịp nhàng, cho trẻ tập các động tác kết hợp với bài nhạc thiếu nhi vui nhộn theo chủ đề dạy học. Khi tập, cho trẻ sử dụng dụng cụ như: Gậy, vòng, nơ…Các động tác vận động và dụng cụ thể dục thì được thay đổi hàng ngày, tránh sự nhàm chán, kích thích trẻ hứng thú luyện tập. Kèm theo đó cô cũng không ngừng cải tiến phương pháp dạy, lựa chọn số lượng bài tập, số lần tập động tác phù hợp bởi nếu bài tập quá dài và số lần tập nhiều thì trẻ sẽ rất mệt mỏi, không còn hứng thú ở các hoạt động khác. Và sẽ rất tốt nếu tổ chức thể dục buổi sáng bằng các trò chơi vận động có chủ đề gồm 3 - 4 động tác thể dục. Các bài tập củng cố cơ vai, cơ chân, tay lưng, bụng, chạy 10- 15 giây và đi bộ kết thúc nhằm hồi tĩnh hô hấp, điều hòa hoạt động tim, chuyển dần cơ thể vào trạng thái yên tĩnh bình thường.
Trong mỗi buổi tập thể dục sáng cô giáo cần chú ý đến tâm sinh lý của trẻ. Những trẻ mới ốm dậy hoặc có dấu hiệu mệt mỏi có thể không cho trẻ tập hoặc cho trẻ tập các động tác nhẹ nhàng và không nhất thiết phải tập từ đầu đến cuối. Khuyến khích những trẻ ít vận động tập thể dục sáng .

Tác giả: Nguyễn Thị Hiên